Vietstock - Kinh doanh khách sạn cao cấp: 2016 đã phục hồi, 2017 sẽ tăng trưởng?
Ngành du lịch khởi sắc, lượng khách đến Việt Nam tăng đã làm phục hồi ngành khách sạn cao cấp từ 4 đến 5 sao. Và dự kiến, năm 2017 sẽ là một năm tăng trưởng với nhiều dự án sẽ được ra mắt trong thời gian tới.
Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 vào ngày 11/07
|
Theo Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 vừa được Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố ngày 11/07, doanh thu trên số phòng sẵn có (RevPar) của khách sạn tăng đối với cả hai loại xếp hạng sao, với mức tăng 10% tại các khách sạn 4 sao và 4.1% tại các khách sạn 5 sao.
Được biết, doanh thu của khách sạn đến từ 3 mảng chính: bộ phận phòng, dịch vụ nhà hàng (F&B) và các dịch vụ khác (bao gồm trung tâm spa, tiệc, hội nghị,…), với doanh thu phòng chiếm tỉ trọng cao nhất.
Chi tiết doanh thu
|
So với năm 2015, cơ cấu doanh thu năm 2016 có thay đổi nhẹ, với tỷ lệ doanh thu bộ phận phòng tăng từ 59% lên 61.5%, tương ứng với doanh thu dịch vụ nhà hàng giảm từ 32% xuống 31.1% và doanh thu khác giảm 1.7%.
Về mức giá trên thị trường, giá phòng bình quân cho khách sạn 4 sao năm 2016 đạt 75 USD, tăng 3.8% so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức giá của 2014. Trong khi giá phòng bình quân cho khách sạn 5 sao tiếp tục giảm nhẹ 2.2% xuống còn 104.4 USD năm 2016.
Nhìn chung, giá phòng bình quân của các khách sạn cao cấp năm 2016 tăng từ 87 USD vào năm 2015 lên 88.1 USD năm 2016. Dự báo cho năm 2017, số khách du lịch sẽ tăng mạnh, sau khi chững lại vào năm 2015 và tăng đáng kể trở lại trong năm 2016 (26%), do đó hoạt động của ngành khách sạn cũng được dự báo sẽ được cải thiện sau một thời gian giảm sút.
Giá phòng bình quân theo xếp hạng sao (2014-2016)
|
Theo đó, lợi nhuận trước chi phí lãi vay, thuế, và khấu hao (EBITDA) cao hơn năm 2015 với mức tăng là 1.7%. Trong khi tỷ trọng chi phí cố định và khoản dự phòng tài sản trang thiết bị (FF&E Reserve) gần như tương đương cho cả 2 năm, EBITDA năm 2016 cao hơn chủ yếu là do chi phí bộ phận và chi phí hoạt động không phân bổ có xu hướng giảm đi.
Khách nội trú có xu hướng tăng sử dụng khách sạn cao cấp
Theo Grant Thornton, 3 năm trở lại đây (2014-2016), tỷ lệ khách nội địa (thường là các thương nhân) lưu trú tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao liên tục tăng. Năm 2016, tỷ lệ này đạt 20.4%, tăng 3.4% so với năm 2014 và 1.5% so với năm 2015.
Trong đó, khách Việt Nam chọn lưu trú ở các khách sạn hạng sang tăng cao hơn năm trước ở khu vực miền Trung (tính từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và miền Nam (TpHCM, các tỉnh miền Tây Nam bộ…). Ở chiều ngược lại, tỷ lệ này giảm ở khu vực miền Bắc.
Khách quốc tế và nội địa
|
Mặt khác, nguồn quốc tế mặc dù vẫn là nguồn khách chính cho các khách sạn cao cấp nhưng đang có xu hướng giảm dần, chỉ còn 79.6% trong năm 2016.
Kinh doanh khách sạn sẽ đi cùng với công nghệ 4.0
Năm 2016 cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng các khách sạn đã quyết định rằng công nghệ số là yếu tố quan trọng trong việc kinh doanh của họ nhằm cạnh tranh và tạo sự khác biệt đối với các khách sạn khác trong thị trường.
Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ảnh hưởng khắp nền kinh tế, nhiều khách sạn cao cấp đã chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi sắp tới. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ số giữa các khách sạn đã có sự thay đổi không nhỏ, tăng từ 49.3% năm 2015 lên 67.3% năm 2016.